Lễ Vu-lan

Vu lan (chữ Hán: 盂蘭; tiếng Phạn: ullambana), còn được hiểu là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo và phong tục Trung Hoa. Lễ này trùng với Tết Trung nguyên của người Hán, và cũng trùng hợp với ngày Rằm tháng 7 Xá tội vong nhân của phong tục Á Đông. Vào ngày này, mọi tù nhân ở Địa ngục có cơ hội được xá tội, được thoát sanh về cảnh giới an lành. Theo tín ngưỡng dân gian, là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng Cô Hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân trên Dương thế thờ cúng.
Phóng đăng - một nghi thức trong lễ Vu-lan thường được thực hiện ở chùa ven sông
 Do xuất xứ Phật giáo, nên lễ Vu-lan thường được cúng với những mâm lễ sau:
 - Lễ Phật
 - Lễ Thần linh và Gia tiên
 - Thí thực chúng sinh

Cúng Phật:

Một mâm lễ chay hoặc thanh bông hoa quả hương nến... bày một mâm riêng, tyệt đối không đặt chung với ban Thần linh hay Gia tiên (có lễ mặn).
Nếu gia đình có thờ Phật thì đặt tại ban thờ, nếu không có thể lập một ban tạm cao bằng với ban Thần linh trong nhà, Tuy nhiên, để khỏi thất lễ, nên đến chùa lễ Phật.
Sau khi thắp hương và tỉnh Phật, nên tụng một khóa kinh Vu-lan.

Cúng Thần linh và Gia tiên:

Tùy theo điều kiện gia đình có thể cũng chay hoặc cúng mặn, khi khấn mời nên mời Thần linh (Các quan Kim niên Thái tuế Chí đức Tôn thần, Đương niên Hành khiển chư vị tôn thần, Ngũ Phương Yết đế, Tứ trực công tào, Bản cảnh Thành hoàng chư vị đại vương, Bản xứ Thần linh Thổ địa, Bản gia Táo quân chi thần...) trước rồi mời đến Gia tiên dòng tộc.

Thí thực chúng sinh

Một mâm cúng thí thực chúng sinh
Mâm cúng cô hồn thường có: quần áo chúng sinh gỡ ra từng món, rải xuống dưới mâm, một ít vàng tiền cũng làm như vậy, vài chén cháo trắng loãng, 1 đĩa muối, 1 đĩa gạo, 1 ít bỏng gạo và kẹo bánh các loại, ngô/khoai/sắn luộc rồi cắt thành khúc nhỏ v.v... 

Trên đây là những mâm lễ chủ yếu dùng trong lễ Vu-lan, có thể khấn nôm hoặc theo những bài văn khấn.

Cửu Diệu Tinh Quân

Cửu diệu tinh quân có nguồn gốc từ đạo Giáo, gồm 9 vị tinh quân, trong 7 vị có thực (Nhật, Nguyệt, Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) và 2 vị La Hầu (tiếng Phạn: Rahu) và Kế Đô (tiếng Phạn: Ketu) xuất phát từ Ấn độ giáo là hai điểm giao nhau với vòng Hoàng đạo của Mặt trăng (Moon node) giao điểm Bắc là La Hầu, giao điểm Nam là Kế Đô. La Hầu tượng trưng cho phần đầu của con Rắn Uragavagga đã nuốt chửng mặt trăng và bị thần Vishnu chém đứt đôi, Ketu chính là phần đuôi của con rắn.

Cách tính hạn

Hạn Cửu Diệu được tính theo vòng 9, cách tính đơn giản là lấy số tuổi (tính theo âm lịch) chia cho 9 và lấy số dư (dư 0 coi là 9) hoặc cộng hai số của tuổi đến khi tổng hai số nhỏ hơn 9 (ví dụ: 29 tuổi, ta có 2 + 9 = 11, 11 > 9 nên lại cộng tiếp 1 + 1 = 2, vậy hạn sẽ ở số 2) sau đó tra bảng sau để tìm ra sao hạn:




Lễ sao

Thái Dương:
Mỗi tháng cúng ngày 27, từ 21h00-đến 23h00, 12 ngọn đèn/nến theo đồ hình, hướng Đông
Bài vị (vàng): Nhật cung Thái Dương Thiên tử Tinh quân (日宫太阳天子星君)
Khấn: Cung thỉnh Thiên đình Uất ly cung Đại Thánh đơn nguyên Hải Nhật Thái Dương Tinh quân vị tiền
Đồ hình sao Thái Dương

Thái Âm:

Mỗi tháng cúng ngày 26, từ 21h00-đến 23h00, 7 ngọn đèn/nến theo đồ hình, hướng Tây
Bài vị (vàng): Nguyệt cung Thái Âm Hoàng hậu Tinh quân (月宫太阴皇后星君)
Khấn: Cung thỉnh Thiên đình Kết lâu cung Đại Thánh Tố diệu Nguyệt phủ Thái Âm Tinh quân vị tiền
Đồ hình sao Thái Âm

Thủy Diệu:

Mỗi tháng cúng ngày 21, từ 21h00-đến 23h00, 7 ngọn đèn/nến theo đồ hình, hướng Bắc
Bài vị (đen): Bắc phương Nhâm Quý Thủy đức Tinh quân (北方壬癸水德星君)
Khấn: Cung thỉnh Thiên đình Kim nữ cung Đại Thánh Bắc phương Nhâm Quý Thuỷ Diệu Tinh quân vị tiền
Đồ hình sao Thủy Diệu

Mộc Đức:

Mỗi tháng cúng ngày 25, từ 21h00-đến 23h00, 20 ngọn đèn/nến theo đồ hình, hướng Đông
Bài vị (xanh): Đông phương Giáp Ất Mộc Đức Tinh quân (东方甲乙木德星君)
Khấn: Cung thỉnh Thiên đình Thanh vân cung Đại thánh Trùng quang triều nguyên Mộc Đức Tinh quân vị tiền
Đồ hình sao Mộc Đức

Vân Hán:

Mỗi tháng cúng ngày 29, từ 21h00-đến 23h00, 15 ngọn đèn/nến theo đồ hình, hướng Nam
Bài vị (đỏ): Nam phương Bính Đinh Hỏa Đức Tinh quân (南方丙丁火德星君)
Khấn: Cung thỉnh Thiên đình Minh ly cung Đại thánh Nam phương Bính Đinh Hoả đức Vân Hán Tinh quân vị tiền
Đồ hình sao Vân Hán

Thổ Tú:

Mỗi tháng cúng ngày 19, từ 21h00-đến 23h00, 5 ngọn đèn/nến theo đồ hình, hướng Tây
Bài vị (vàng): Trung ương Mậu Kỷ Thổ Đức Tinh quân (中央戊己土德星君)
Khấn: Cung thỉnh Thiên đình Hoàng trung cung Đại thánh Thổ địa Địa la Thổ đức Tinh quân vị tiền
Đồ hình sao Thổ Tú

Thái Bạch:

Mỗi tháng cúng ngày 15, từ 21h00-đến 23h00, 8 ngọn đèn/nến theo đồ hình, hướng Tây
Bài vị (trắng): Tây phương Canh Tân Kim đức Thái Bạch Tinh quân (西方庚辛金德星君)
Khấn: Cung thỉnh Thiên đình Hạc linh cung Đại Thánh Kim đức Thái Bạch Tinh quân vị tiền
Đồ hình sao Thái Bạch

La Hầu:

Mỗi tháng cúng ngày 8, từ 21h00-đến 23h00, 9 ngọn đèn/nến theo đồ hình, hướng Bắc
Bài vị (vàng): Thiên cung Thần thủ La Hầu Tinh quân (天宫神首罗喉星君)
Khấn: Cung thỉnh Thiên đình Hoàng phan cung Đại thánh Thần thủ La Hầu Tinh quân vị tiền
Đồ hình sao La Hầu

Kế Đô:

Mỗi tháng cúng ngày 18, từ 21h00-đến 23h00, 21 ngọn đèn/nến theo đồ hình, hướng Tây
Bài vị (vàng): Thiên cung Thần vĩ Kế Đô Tinh quân (天官神尾计都星君)
Khấn: Cung thỉnh Thiên đình Báo vĩ cung Đại Thánh Thần Vỹ Kế Đô Tinh quân vị tiền
Đồ hình sao Kế Đô

Bài khấn cơ bản:

Việt nam quốc ..... thành/tỉnh .....quận/huyện .... phường/xã(*)
..................... niên .... nguyệt .... nhật ..... thời(**)
Nhương chủ: (họ tên, tuổi) ngụ tại .......(*)
Cung thỉnh:
 - Hiệu thiên Kim quyết Ngọc hoàng thượng đế
 - Tả Nam tào Lục ty diên thọ tinh quân
 - Hữu Bắc đẩu Cửu hàm giải ách tinh quân
 - Trung thiên Tinh chủ Bắc cực Tử vi Tràng sinh đại đế
 - (***)
 - Nguyên thần bản mệnh chân quân
Cúi mong chư vị chấp kỳ lễ bạc phù hộ độ trì giải trừ vận hạn; ban phúc, lộc, thọ cho chúng con gặp mọi sự lành, tránh mọi sự dữ, gia nội bình yên, an khang thịnh vượng.
Nhương chủ con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Cẩn cáo!

(*) Địa chỉ, từ lớn xuống bé, dòng trên là nơi lập đàn, dòng dưới là địa chỉ của nhương chủ (người gặp hạn sao)
(**) Tháng Giêng khấn là Sơ nguyệt.
(***) Danh hiệu sao như trên đã nói

Táo quân

Ông Táo (Táo quân hay Thổ Công) là vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ, ông là vị thần quyết định sự may, rủi, phúc họa của cả gia chủ, bên cạnh đó ông còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho gia đình gia chủ. Vì vậy tục cúng ông Táo mang ý nghĩa cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ, sau đó mới đến ý nghĩa thờ "thần Bếp" chuyên cai quản việc bếp núc.
Ông Táo về trời sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. Cá chép là phương tiện để ông Táo cưỡi về trời. Vào ngày này, sau khi cúng lễ xong, các gia đình đều cúng con cá chép rồi đem ra sông hay ra ao...thả. Bởi ngụ ý "cá vượt Vũ môn" hay "cá chép hóa rồng", cá chép mang ý nghĩa biểu tượng cho sự thăng hoa, tinh thần vượt khó, sự kiên trì và bền bỉ để đi tới thành công, mong muốn năm mới có sự thăng tiến, thay đổi tốt đẹp năm cũ.
Sự tích: 
Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được người Việt đồng hóa với 3 ông đầu rau thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo. Bếp là bản nguyên của nhà khi người nguyên thủy có lửa và đều dựa trên nền móng là đất.
Khác với Táo Quân của Trung Quốc (theo từng sách mà có tên gọi sự tích khác nhau), ở Việt Nam, sự tích Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép, do đó có những sự khác nhau về tình tiết, nội dung chính được tóm tắt như sau:
Có hai vợ chồng ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, người chồng giận quá, đánh vợ. Người vợ bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ một người khác. Khi người chồng hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên đành phải đi ăn xin.
Khi người chồng cũ đi ăn xin đến nhà người vợ, hai bên nhận ra nhau. Người vợ mời chồng cũ vào nhà, hai người đang tâm sự thì người chồng mới trở về, sợ khó giải thích, nên người vợ bảo chồng cũ ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Người chồng mới về nhà không biết nên ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng (có tích nói rằng để thui một con vật mới săn được). Người chồng cũ vì thế bị chết thiêu. Người vợ trong nhà chạy ra thấy vậy nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo. Người chồng mới quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.
Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng Đế. Thượng Đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân (定福灶君), mỗi người giữ một việc:
 - Thổ Công, trông coi việc bếp. Danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân
 - Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa. Danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần
 - Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa. Danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chính Thần
Ngày 23 tháng Chạp chính là ngày cả 3 vị hóa, cũng là ngày cuối năm vậy nên dân gian lấy ngày này để cúng Táo Quân.
 Lễ vật cũng Táo Quân:

Mã cúng ông Táo ngày nay
Lễ vật cúng ông Táo gồm: mũ ông Công ba chiếc. Ngày trước, chiếc mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn; mũ dành cho Táo bà thì không có cánh chuồn. Những mũ này được trang sức với các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những giây kim tuyến màu sắc sặc sỡ. Hương, đèn nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi. Ba bộ mũ áo, hia hài Táo Quân cùng tiền vàng. Có khi chỉ cúng tượng trưng một chiếc mũ ông Công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy.
Những đồ vàng mã như mũ, áo, hia và một số vàng thoi bằng giấy sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Sau đó người ta sẽ lập bài vị mới cho Táo Công.
Ngoài ra, còn cúng cá chép để các ông, bà Táo có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc người ta còn cúng một hoặc ba con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa long" nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ được "phóng sinh" (thả ra ao hồ hay ra sông) sau khi cúng. Ở miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Miền Nam thì lễ vật đơn giản, họ chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta hoặc làm mâm cỗ mặn hay lễ chay để tiễn Táo Quân.
Văn khấn nôm:
(năm) niên (tháng) nguyệt (ngày) nhật
Cung thỉnh:
Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân
Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần
Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chính Thần
Tín chủ con là: .......................... đồng gia đẳng
Ngụ tại: Việt Nam quốc ..... tỉnh/thành ........ quận/huyện .......phường/xã .......... thôn (địa chỉ từ lớn xuống bé)
Nhân ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật xiêm hài áo mũ, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, dâng hiến tôn thần, đốt nén tâm hương dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời:
Ngài Đông trù tư mệnh Táo Phủ thần quân, Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần
Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chính Thần giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.
Phỏng theo lệ cũ, ngài là vị chủ, ngũ tự Gia Thần, soi xét lòng trần, Táo quân chứng giám.
Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin tôn thần, gia ân châm chước. Ban lộc ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già, an ninh khang thái.
Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo

Ban thờ - sắp đặt và bài trí

Tín ngưỡng của người Việt là thờ cúng tổ tiên vậy nên người Việt lập bàn thờ thần thánh và tổ tiên trong nhà. Nhiều người cho rằng vị trí đặt bàn thờ gia tiên thuận lợi nhất là tại đại sảnh đốì diện trực tiếp với cửa chính sao cho mỗi khi bước vào nhà đều nhìn thấy bàn thờ. Tuy nhiên, để phù hợp với phong thủy, bàn thờ gia tiên nên đặt ở hướng Tây Bắc của ngôi nhà hoặc của căn phòng. Bởi vì, đây là hướng tượng trưng cho trời.

 VỊ TRÍ ĐẶT BAN THỜ
Nơi đặt ban thờ phải là nơi tĩnh lặng, ít người qua lại, nếu có điều kiện đặt trong một phòng riêng biệt.
Thứ nhất, không được lộ thiên, tức là phía trên, phía sau bàn thờ có cửa sổ hoặc cửa chính đi hoặc trên nóc bàn thờ có ống thông gió. Vị trí đặt ban thờ phải tránh đối diện với đường đi (hành lang, cầu thang đâm thẳng vào) vì như thế dễ bị tán khí, trường hợp bất khả kháng phải dùng bình phong chắn lại.
Thứ hai, bàn thờ tối kị để các vật nặng như đầu dư nhà hay các vật sắc nhọn như: góc tủ, góc cánh cửa chọc thẳng vào mặt bàn thờ hoặc đầu hồi của nhà hàng xóm chĩa vào. Không đặt dưới xà nhà.
Thứ ba, phải tránh những nơi bẩn tạp như nhà tắm, nhà vệ sinh, hay giường ngủ của vợ chồng. Nếu tầng dưới đặt bàn thờ thì tầng trên cũng không được đặt bếp hoặc phòng ngủ, nhà tắm nhà vệ sinh. Không đặt ban thờ chung lưng với tường nhà vệ sinh, nhà bếp.

BÀI TRÍ BAN THỜ
Trong cùng và là nơi cao nhất của ban thờ là khám thờ (có cửa đóng mở), ngai thờ đặt bài vị thần linh, tổ tiên. Phía trước ngai đặt 3 chén nước trên một bộ tam sơn hoặc mịch.
Tiếp đến là đỉnh trầm (nếu có) với đôi hạc chầu hai bên (nếu có).
Bên ngoài đặt bát hương, nếu là 3 bát, bày theo hàng ngang (hình chữ Nhất), nếu là 2 bát thì bát nhỏ đặt trước bát lớn và thấp hơn một chút, trường hợp 4 bát hương thì 3 bát bày theo chữ Nhất, một bát đặt chính giữa, phía trước bát lớn hơn.
Phía ngoài bát hương là nơi bày biện lễ vật như hoa, quả, bánh kẹo, rượu... bày theo nguyên tắc "đông bình tây quả": lọ hoa bên tay phải và bồng hoa quả đặt bên trái (theo hướng người cúng nhìn vào) trước bát hương đặt nước hoặc rượu.
Ngoài cùng là đôi nến hoặc đèn, tượng trưng cho Nhật Nguyệt.
Trường hợp gia đình có thờ Phật, tốt nhất có phòng thờ riêng hoặc ít ra cũng lập một ban thờ riêng, không thờ chung với ban gia tiên và thần linh, vì thờ gia tiên và thần linh thường dùng lễ mặn, cũng phật thì phải cúng chay hoàn toàn, vậy nên việc thờ phụng phải riêng một nơi.
Ở nhiều gia đình, thường thờ cả Phật, Quan âm và Quan đế thánh quân trong cùng một phòng, thậm chí quay mặt vào nhau, điều này tuyệt kỵ.

ĐỒ DÙNG TRÊN BAN THỜ
Một bộ Ngũ sự bằng đồng
 Trên ban thờ nên có đầy đủ ngũ hành Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ: Ban thờ thường bằng gỗ (Mộc), bát hương, lọ hoa, bồng... bằng sứ (Thổ), chén nước (Thủy), đèn, nến (Hỏa), lư hương, hạc, chân nến... (Kim). Không nên sử dụng toàn bộ đồ thờ bằng đồng, điều này không tốt vì kim khí quá vượng làm mất cân bằng trong Ngũ Hành. Đồ Kim khí thường chỉ nên sử dụng Ngũ sư, Thất sự, Cửu sự. Bát hương, lọ hoa, khay, bồng, chén nước... cũng có thể sử dụng đồ đồng nhưng nên có sự cân đối bằng cách sử dụng đồ Thổ (sành sứ) Mộc (gỗ mộc, sơn mài) để cân bằng âm dương ngũ hành.

LAU DỌN BAN THỜ
Ban thờ là nơi thờ cũng thần linh, tiên tổ vì vậy lau dọn ban thờ thường xuyên giữ cho ban thờ sạch sẽ là điều nên làm thường xuyên, tuy nhiên, khi lau dọn ban thờ phải chú ý:
 - Đồ dùng lau, quét ban thờ phải sạch sẽ, khăn chổi phải dùng riêng, không dùng những loại khăn chổi uế tạp, sử dụng chung cho việc lau dọn những nơi khác.
 - Nước sử dụng cho việc lau, rủa ban thờ, đồ thờ phải là nước sạch thanh tịnh, thường đun với là trầu, lá bồ đề, gỗ vang và quế để tạo màu đỏ đẹp và có mùi hương thơm.
 - Khi lau dọn nên tránh việc xê dịch bát hương, đặc biệt là nhấc bát hương để lau chùi, nếu cần thiết, nên thắp hương xin trước và tạ sau khi xong việc. Cũng có thể đợi sau ngày 23 tháng Chạp, khi ông Táo đã lên trời, để làm việc này.
Việc hóa chân hương, trong năm nên hạn chế và không làm nếu chưa cần thiết, sau ngày 23 tháng Chạp đến trước lễ Tất niên có thể tỉa bớt chân nhang và hóa.

Vài điều sơ đảng về việc sắp đặt, bài trí ban thờ cùng việc lau dọn, mong rằng giúp ích cho những bà con chưa biết rõ.

Tam Đa: Phúc - Lộc - Thọ

Phúc Lộc Thọ (Giản thể: 福禄寿; Phồn thể: 福祿壽; bính âm: Fú Lù Shòu) là thuật ngữ thường được sử dụng trong văn hóa Trung Hoa và những văn hóa chịu ảnh hưởng từ nó, để nói về ba điều cơ bản của một cuộc sống tốt đẹp là: những điều lành (Phúc), sự thịnh vượng (Lộc), và tuổi thọ (Thọ). Mỗi điều tượng trưng cho một vị thần, ba vị này thường gọi chung là ba ông Phúc-Lộc-Thọ hay Tam Đa, và thường không tách rời.
Một bộ tượng Tam Đa bằng sứ
Truyền thuyết kể rằng: Đời Đường Ngu ở Trung Hoa, có vua Nghiêu, vị Hoàng đế hiền minh thời thái bình thịnh trị, nhân dịp tiết xuân đi thưởng ngoạn cảnh xuân vùng đất Hoa Phong để hiểu thêm nhân tình thế thái. Nhân dân đã chúc tụng nhà vua ba điều:
"Một là, kính chúc nhà vua trường thọ", vua Nghiêu không nhận.
Nhân dân lại nói điều hai: "Xin cầu chúc nhà vua thật phú quý nhiều lộc", nhà vua cũng từ chối và nói tránh đi.
Nhân dân lại chúc tiếp điều thứ ba: "Chúc nhà vua sinh nhiều con trai, tỏa phúc ấm cho cả Hoàng tộc". Vua Nghiêu vẫn không chấp nhận mà thay mặt triều đình ban những lời chúc tụng đó thành ba điều chúc: “Đa phúc, đa lộc, đa thọ” gọi là “Tam đa” cho cả trăm họ.
Từ đó, Tam đa trở thành lời chúc nhau trong những ngày tết đến, xuân sang. Và cũng từ đó có tượng ba ông “Tam đa”.

Một truyền thuyết khác lại cho rằng:
Ông PhúcQuách Tử Nghi. Thừa tướng đời nhà Đường. ông xuất thân vốn là quý tộc, đồng ruộng bát ngát hàng trăm mẫu, nhưng suốt cuộc đời tham gia triều chính, ông sống rất liêm khiết, thẳng ngay. Không vì vinh hoa, phú quý mà làm mất nhân cách con người.
 Ông và cụ bà cùng thọ đến hơn 80 tuổi và có cháu ngũ đại, cả hai ông bà đề vô bệnh mà mất.
Ông LộcĐậu Từ Quân, làm quan đến chức Thừa tướng nhà Tấn. Nhưng ông Đậu Từ Quân là một quan tham. Tham lắm, ông hưởng không biết bao nhiêu vàng bạc, châu báu, là của đút lót của những kẻ nịnh thần, mua quan, bán tước, chạy tội cho chính mình, cho con, cho cháu, cho thân tộc.
Trong nhà ông, của cải chất cao như núi. Tưởng ông Đậu Từ Quân được như thế đã là giàu sang, vinh quang đến tột đỉnh. ông chỉ hiềm một nỗi, năm ông tám mươi tuổi vẫn chưa có đích tôn. Do vậy ông lo nghĩ buồn rầu sinh bệnh mà chết. ông ốm lâu lắm, ông nằm đến nát thịt, nát da, mùi hôi thối đến mức con cái ông không dám đến gần. Đến khi chết, ông cũng không nhắm được mắt, ông than rằng:
- Lộc ta để cho ai đây? Ai giữ ấm chân nhang cho tổ tiên, cho bản thân ta?
Ông ThọĐông Phương Sóc, làm Thừa tướng đời Hán. Triết lý làm quan của ông Đông Phương Sóc là quan thì phải lấy lộc. Không lấy lộc thì làm quan để làm gì. ông coi buôn chính trị là buôn khó nhất, lãi to nhất. Nhưng ông Đông Phương Sóc vẫn là quan liêm. Bởi ông nhất định không nhận đút lót. ông chỉ thích lộc của vua ban thưởng.
Do ông Đông Phương Sóc muốn có nhiều tiền để mua gái trẻ làm liều thuốc dưỡng dương, cho nên suốt cuộc đời cũa ông, ông chỉ tìm lời nói thật đẹp, thật hay để lấy lòng vua. Có người bạn thân khuyên ông:
 - Ông làm quan đầu triều mà không biết tìm lời phải, ý hay can gián nhà vua. Ông chỉ biết nịnh vua để lấy thưởng thì làm quan để làm gì.
Đông Phương Sóc vuốt chòm râu bạc, cười khà khà bảo:
 - Làm quan không lấy thưởng thì tội gì mà làm quan. Can gián vua, nhỡ ra vua phật ý, tức giận, chém đầu cả ba họ thì sao?
Đông Phương Sóc 125 tuổi mới chịu từ giã cõi đời. Khi ông chết thì con không còn, cháu cũng đã hết cơm hết gạo mà chắt đích phải làm ma, phải thay cha, thay ông, trở ông nội.

Qua ba bức tượng Phúc, Lộc, Thọ người đời thấy, người Hoa Hạ đã khéo xếp ba vị thừa tướng, ba tính cách khác nhau ở ba triều đại khác nhau để răn đời.
Trong ba điều ước Phúc, Lộc, Thọ ấy chỉ có thể được một mà thôi.
Ba vị đó được người Trung Quốc dựng lên ba hình tượng, không phải để thờ mà để người đời nhìn gương đó mà lựa chọn cách sống cho phù hợp

Tại Việt Nam, một số thầy pháp và sách vở dạy cách thờ Tam Đa, nhưng trên thực tế, cũng chỉ thấy bày trong phòng khách, nơi làm việc kinh doanh chứ chưa thấy đạo nào thờ cúng 3 vị này.

Lưu niên hành khiển


Người xưa, với quan niệm 12 địa chi sẽ có 12 vị thần hành khiển (quan văn), hành binh (quan võ) gọi là Thập nhị Đại vương hành khiển và tin rằng đó là những người thay mặt Ngọc Hoàng trông coi mọi việc trên thế gian, mỗi vị một năm theo chu kỳ của 12 con giáp. Bắt đầu là năm Tý, năm cuối cùng là năm Hợi.

Các vị đại vương này còn gọi là đương niên chi thần, mỗi vị có trách nhiệm cai trị thế gian trong cả năm, xem xét mọi việc hay dở của từng người, từng gia đình, từng thôn xã cho đến từng quốc gia để định công luận tội, tâu lên Thượng đế. Thượng đế, căn cứ vào bản công tội đó để chỉ thị cho người mới xuống  cai trị biết để định công, tội. Bên cạnh mười hai vị hành khiển là mười hai phán quan. Đại vương hành khiển lo việc thi hành những mệnh lệnh của Ngọc Hoàng còn phán quan thì lo việc ghi chép công, tội của mọi người, mọi gia đình, mọi thôn xã. Trong các vị hành khiển, có vị nhân từ, có vị cương trực và cũng có vị khắc nghiệt. Nếu năm đó gặp vị hành khiển nhân từ, cương trực, đức độ thì nhân dân no đủ, khang thái, ít thiên tai, dịch bệnh. Ngược lại, năm nào đói kém nhiều, bệnh tật, tai ách, loạn lạc triền miên người ta tin rằng đó là hoạ do vị hành khiển năm đó giận dữ giáng xuống.

Vương hiệu của 12 vị hành binh, hành khiển và  phán quan là:
Năm Tý: Chu Vương Hành Khiển, Thiên Ôn hành binh chi thần, Lý Tào phán quan.
Năm Sửu: Triệu Vương Hành Khiển, Tam Thập lục phương hành binh chi thần, Khúc Tào phán quan.
Năm Dần: Ngụy Vương Hành khiển, Mộc Tinh hành binh chi thần, Tiêu Tào phán quan.
Năm Mão: TrịnhVương Hành khiển, Thạch Tinh hành binh chi thần, Liễu Tào phán quan.
Năm Thìn: Sở Vương Hành khiển, Hoả Tinh hành binh chi thần, Biểu Tào phán quan.
Năm Tị: Ngô Vương Hành khiển, Thiên Hao hành binh chi thần, Hứa Tào phán quan.
Năm Ngọ: Tần Vương Hành khiển, Thiên Mao hành binh chi thần, Ngọc Tào phán quan.
Năm Mùi: Tống Vương Hành khiển, Ngũ Đạo hành binh chi thần, Lâm Tào phán quan.
Năm Thân: Tề Vương Hành khiển, Ngũ Miếu hành binh chi thần, Tống Tào phán quan.
Năm Dậu: Lỗ Vương Hành khiển, Ngũ Nhạc hành binh chi thần, Cự Tào phán quan.
Năm Tuất: Việt Vương Hành khiển, Thiên Bá hành binh chi thần, Thành Tào phán quan.
Năm Hợi: Lưu Vương Hành khiển, Ngũ Ôn hành binh chi thần, Nguyễn Tào phán quan.

Mỗi năm trong các bài văn khấn giao thừa khi dâng hương ngoài trời đều khấn danh vị của các vị quan hành khiển cùng các vị phán quan, năm nào thì khấn danh vị cũng như phải sắm áo vải đúng màu với đương niên hành khiển năm ấy. Tên các vị hành khiển theo thập nhị địa chi, nhưng màu sắc bài vị, quần áo tuân theo phép ngũ hành: năm hành Kim màu Trắng, Mộc màu Xanh, Thủy màu Đen (có thể thay bằng Tím); Hỏa màu Đỏ, Thổ màu Vàng.

Thần Tài

Một trong những vị thần được thờ nhiều nhất ở nước ta là Thần Tài, nếu lấy vị thần được thờ nhiều nhất làm quốc đạo chắc nước ta theo đạo Thần Tài.
Được thờ phổ biến nhất là hai vị Thần Tài - Ông Địa, tuy nhiên còn nhiều vị khác nhưng không phổ biến hoặc thờ mà không biết hặc gọi sai tên Ngài.
Thần Tài - Ông Địa:
Thần tài - Ông Địa
Du nhập theo các thương lái người Hoa thuộc Lưỡng Quảng, Phúc Kiến vào miền Nam đầu thế kỷ 20 rồi dần dần lan ra miền Bắc, 2 vị này thường được bày trong khám thờ với bài vị kép:
"Ngũ Phương Ngũ Thổ Long Thần
Tiền Hậu Địa Chủ Tài Thần"
bên ngoài khám là liễn đối:
"Thổ năng sinh bạch ngọc
Địa khả xuất hoàng kim"
Hai vị này do du nhập vào miền Nam nên việc thờ cũng theo phong tục trong Nam với nghi thức đơn giản hơn nhiều so với các thần thánh khác.
Tài Bạch Tinh Quân:
Thường gọi tắt là Thần Tài, không mấy ai biết đủ về danh hiệu của Ngài nên thương nhầm với hai vị Thần Tài - Ông Địa ở trên.
Tài Bạch Tinh Quân
Bố Đại Hòa thượng:
Do có ngoại hình giống Di Lặc Tôn Phật nên Ngài thường bị dân gian gọi nhầm tên này, vậy nên không biết khi khấn Ngài có về chứng hay không nữa, thương người ta không lập ban thờ riêng cho Ngài mà chỉ bày tượng Ngài ở nơi gần cửa, trước sân hoặc thờ chung ban với thần tài khác.
Bố Đại Hòa thượng


Bố Đại Hòa thượng
Quan Đế Thánh quân:
Một trong những vị được thờ khá nhiều mà không mấy ai nghĩ rằng mình đang thờ thần tài đó là Quan Đế Thánh quân, dân gian thường gọi Quan Công, Quan Vũ... Người ta thường thờ Ngài để trấn Sát khí, Hung địa mà không nghĩ rằng việc thờ Quan Đế Thánh quân có thể hóa Hung thành Cát, trấn Sát hóa Tài mà được thêm nhiều tài nhiều lộc.
Quan Đế Thánh quân
Triệu Công Minh:
Ngài Mặt đen, Râu dài, cưỡi Hắc Hổ, cầm roi phép, được Ngọc Hoàng phong là "Lôi bộ phó Nguyên soái", cũng là một vị Võ thần tài. Dưới trướng của Ngài là 4 vị:
 - Chiêu Bảo Thiên tôn Tiêu Thăng
 - Nạp Trân Thiên tôn Tào Bảo
 - Chiêu tài Sứ giả Trần Cửu Công
 - Lợi Thị Tiên quan Dao Thiếu Tư
Triệu Công Minh
Hắc-Bạch Vô Thường:
Tuy là 2 vị quỷ sứ dẫn hồn tay cầm tràng phan trước điện Diêm Vương nhưng đây cũng là Thần tài được dân gian Lưỡng Quảng thờ khá nhiều, với ban thờ có 4 chữ "Nhất kiến sinh tài" với quan niệm tuy là quỷ bắt hồn, nhưng nếu ai có duyên gặp 2 Ngài thì thường phát tài phát lộc rất lớn.

HƯỚNG ĐẶT BAN THỜ THẦN TÀI:
Nhiều người thường cẩn thận xem bói theo tuổi để đặt ban thờ Thần Tài, để tỏ ra thông thạo, nhiều thầy cũng xem hướng, xem tuổi để đặt ban Thần Tài cho gia chủ, đây là quan niệm hết sức sai lầm.
Thường ban Thần Tài có thể đặt trong nhà, ngoài sân... nhưng nhất thiết phải quay ra cửa hoặc cổng, nơi có khách khứa ra vào. Nơi đặt ban Thần Tài trong nhà phải quay ra của chính, không được để bất cứ vật gì che chắn làm khuất tầm nhìn, không đối diện gương, kính...
Trên ban thờ thần tài có thể đặt 3 hũ: gạo, muối, nước. Tượng trưng cho những thứ thiết yếu của cuộc sống, cũng là của ăn của để.
Linh vật trên ban thần tài thường đặt Thiềm Thừ 3 chân với ý nghĩa thăng tiến (không dùng loại 4 chân, đã hóa Thiềm Thừ hoàn toàn, làm mất ý nghĩa thăng tiến), Tỳ Hưu để giữ của, Long Quy để làm ăn được bền vững, chắc chắn (ngoài ra, chữ Long, đồng âm với Long là Rồng, còn có nghĩa Thịnh Vượng)...